Trách nhiệm của Chủ đầu tư Chung cư Carina Plaza đến đâu?

Trách nhiệm của Chủ đầu tư Chung cư Carina Plaza đến đâu? 

Posted by Trần Thảo on 30 Tháng Ba, 2018

 

Theo Luật Nhà ở năm 2014 quy định, sau khi Chủ đầu tư bàn giao căn hộ cho cư dân thì vai trò không còn nhiều. Lúc này, Chủ đầu tư chỉ còn các trách nhiệm liên quan đến việc hoàn tất các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, thủ tục thành lập Ban quản trị, bàn giao quỹ bảo trì và hoàn thành các thủ tục quyết toán công trình dự án với cơ quan chức năng.

Kể từ ngày xảy ra vụ cháy của Chung cư Carina Plaza (Đường Võ Văn Kiệt, Quận 8, Tp. Hồ Chí Minh). Cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục điều tra về nguyên nhân vụ cháy. Ngày 29/3, trong buổi họp báo thường kỳ của UBND TP HCM, nguyên nhân vụ cháy được kết luận là xuất phát từ chập điện xe Attila, loại trừ các yếu tố gây nổ, cháy do cố ý. Hậu quả vụ cháy ở chung cư Carina Plaza được cho là nặng nề nhất trong 16 năm qua tại TP HCM, chỉ sau thảm họa ITC làm 60 người chết. Vụ cháy này đã khiến dư luận bàng hoàng, xót xa. Nhiều người đặt ra câu hỏi, trách nhiệm của chủ đầu tư và các cơ quan chức năng đến đâu trước hậu quả bi thương này?

Chung cư Carina Plaza (Đường Võ Văn Kiệt, Quận 8, Tp. Hồ Chí Minh).

Theo thông tin của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, Công ty TNHH xây dựng thương mại dịch vụ Hùng Thanh (“ Công ty Hùng Thanh”) là chủ đầu tư dự án chung cư Carina Plaza theo Quyết định phê duyệt dự án đầu tư số 59/QĐ-SXD-PTN ngày 25-5-2009. Dự án được duyệt năm 2009, hoàn thành thi công năm 2011, đưa vào sử dụng năm 2012.

Theo quy định của pháp luật, đây là vụ cháy gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về tính mạng và tài sản. Như đã nói ở phần đầu, UBND Tp. HCM kết luận nguyên nhân vụ cháy là xuất phát từ chập điện xe Attila. Theo hình ảnh trích xuất từ camera ở tầng hầm chung cư, tia lửa điện phát ra từ xe Attila lúc 1 giờ 15 rạng sáng ngày 23-3. Ngay sau đó, phần sau xe tỏa khói và lửa, 5 phút tiếp theo, lửa cháy lan lên đầu xe và bùng phát, lan sang các xe máy xung quanh. Việc dẫn đến hỏa hoạn có hậu quả nghiêm trọng này có liên quan đến hệ thống phòng cháy chữa cháy (“PCCC”). Theo đó, hệ thống cửa ngăn cháy, đèn thoát hiểm, toàn bộ hệ thống chuông báo cháy không phát huy tác dụng nên không có bảo vệ nào của chung cư phát hiện, can thiệp và cư dân không thể phát hiện kịp thời để tìm lối thoát nạn.

Riêng đối với việc toàn bộ hệ thống PCCC của chung cư không hoạt động thì dù chưa biết lỗi của chủ đầu tư nặng hay nhẹ đến đâu nhưng chắc chắn phải có trách nhiệm. Bởi trước đó hệ thống phòng cháy chữa cháy đã có vấn đề, cư dân nhiều lần đã lên tiếng khắc phục nhưng vẫn không được Chủ đầu tư giải quyết thỏa đáng. Về công tác quản lý PCCC này, hồ sơ thiết kế về PCCC được thẩm duyệt vào năm 2007 và nghiệm thu đưa vào sử dụng năm 2012. Theo thông tin mới nhất, từ tháng 8-2012 đến năm 2017, Cảnh sát PCCC đã kiểm tra 21 lần, trong đó có 3 lần phát hiện các lỗi vi phạm “hệ thống báo cháy tự động hư hỏng, hệ thống cấp nước chữa cháy, họng nước chữa cháy ngoài trời không hoạt động”, “máy bơm chữa cháy động cơ dầu không hoạt động”, “đèn chiếu sáng khi xảy ra sự cố không hoạt động”. Ở lần kiểm tra gần nhất vào cuối năm 2017, Cảnh sát PCCC không phát hiện lỗi vi phạm. Tuy nhiên, tại thời điểm xảy ra cháy, toàn bộ hệ thống báo cháy tự động đều không hoạt động.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, trong quá trình triển khai thi công các dự án thì vấn đề liên quan đến các quy chuẩn PCCC được quy định rất chặt chẽ và khắt khe. Theo đó, trước khi tiến hành xây dựng chung cư, Chủ đầu tư phải có thiết kế, bản vẽ riêng về PCCC và được cơ quan PCCC kiểm duyệt, nghiệm thu theo đúng quy định của pháp luật rồi mới đưa vào vận hành. Khi đã đưa vào vận hành thì chủ đầu tư phải là người chịu trách nhiệm. Sau khi thành lập Ban quản trị thì Chủ đầu tư chuyển giao toàn bộ trách nhiệm mà mình tạm thời thực hiện cho Ban quản trị. Lúc này, Ban quản trị phải thuê một đơn vị quản lý, vận hành. Đơn vị này phải theo dõi, giám sát, bảo trì, bảo dưỡng để khắc phục ngay những hư hỏng nếu có (Đã phân tích ở bài viết trước).

Xem Thêm Trách nhiệm của Chủ đầu tư Chung cư Carina Plaza sau khi bàn giao

Tuy nhiên đối với chung cư Carina Plaza, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết từ khi xây dựng và đưa vào hoạt động từ 2009 đến nay, Công ty Hùng Thanh chưa cung cấp văn bản nghiệm thu về PCCC; chung cư Carina Plaza vẫn chưa có Ban quản trị. Năm 2015, Sở xây dựng nhận được đơn của các cư dân sống tại chung cư Carina phản ánh về chủ đầu tư buông lỏng quản lý để mất an ninh trật tự; không thành lập ban quản trị; vệ sinh môi trường không đảm bảo; việc sử dụng kinh phí quản lý, vận hành không rõ ràng. Trước khi vụ cháy xảy ra, chủ đầu tư ký hợp đồng với Công ty CP dịch vụ địa ốc Sài Gòn (Sejco) làm quản lý tại chung cư Carina. Tuy nhiên qua kiểm tra, nội dung hợp đồng chưa đầy đủ, không có nội dung điều khiển, duy trì hoạt động, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống thang máy, hệ thống báo cháy – chữa cháy tự động…

Như vậy, rõ ràng Chủ đầu tư Carina Plaza đã có những sai phạm nghiêm trọng trong công tác PCCC tại Chung cư, ngoài ra còn có những sai phạm nghiêm trọng việc không thành lập Ban quản trị theo quy định của Luật Nhà ở hiện hành. Tuy nhiên, trách nhiệm đến đâu thì cần phải chờ kết luận điều tra vì còn phải để xác định chủ đầu tư có lắp đặt đúng yêu cầu của pháp luật quy định hay không, thiết bị đó có đảm bảo an toàn, có tác dụng hay không và có đúng quy trình hay không?

BÌNH LUẬN

Không có bình luận.
Ý KIẾN CỦA BẠN
Copyright 2018 © Nhà Sài Gòn 365, Design by HoKaLife